Dây chuyền công nghệ biến chất thải GYPS thành thạch cao nhân tạo.
Sau nhiều năm triển khai, nhóm nghiên cứu đã thu hồi thành công thạch cao có chất lượng đảm bảo các tiêu chuẩn và bước đầu cung cấp sản phẩm cho một số nhà máy sản xuất xi măng như Xi măng VINACONEX Yên Bình; Xi măng Yên Bái; Xi măng Tân Quang.
Việc biến bã thải GYPS độc hại với môi trường và sức khỏe con người thành phụ gia sản xuất vật liệu xây dựng là hướng đi giải quyết đồng thời hai mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường và tạo ra phụ gia sản xuất vật liệu xây dựng có giá thành rẻ bằng một nửa giá nhập ngoại.
Hiện nay, ở nước ta có 3 nhà máy có phát sinh nguồn bã thải GYPS lớn gồm Nhà máy DAP của Công ty CP DAP Vinachem - Đình Vũ tại Hải Phòng, Công ty CP DAP số 2 tại Lào Cai và Công ty CP Hóa chất - Phân bón Đức Giang - Lào Cai.
Nhà máy DAP Đình Vũ được vận hành từ năm 2009, với sản lượng phân bón DAP là 330.000 tấn/năm. Lượng phát sinh bã thải GYPS hàng năm là 750.000 tấn. Hiện nay, lượng bã thải GYPS tại nhà máy còn khoảng trên 4 triệu tấn, phần lớn chưa được xử lí.
Trong năm 2015, dây chuyền nhà máy DAP số 2 đặt tại Lào Cai cũng đã đưa vào vận hành, phát sinh lượng bã thải GYPS khoảng 750.000 tấn/năm. Ngoài ra, nhà máy Hóa chất Đức Giang - Lào Cai, vận hành năm 2015 cũng phát thải khoảng 463.000 tấn bã GYPS /năm. Tính đến nay, lượng bã thải GYPS tồn đọng còn khoảng 5,6 triệu tấn. Dự báo, đến năm 2020, lượng bã GYPS thải ra mỗi năm là 3,885 triệu tấn.
Bên cạnh ý nghĩa bảo vệ môi trường, việc sản xuất thành công thạch cao còn có ý nghĩa kinh tế rất lớn. Việt Nam không có mỏ thạch cao tự nhiên. Hiện nay, nguồn thạch cao sử dụng trong công nghiệp sản xuất xi măng hoàn toàn được nhập khẩu từ nước ngoài như Lào, Thái Lan, Trung Quốc...
Bãi chất thải GYPS chất như núi tại nhà máy DAP Đình Vũ Hải Phòng.
Theo số liệu thống kê, năm 2015, sản lượng xi măng ở nước ta khoảng 72 triệu tấn, nếu tính trung bình lượng thạch cao sử dụng trong xi măng là 4% thì lượng thạch cao cần sử dụng là 2,88 triệu tấn/năm.
Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, nhu cầu sử dụng xi măng ở nước ta vào năm 2020 là khoảng 94 triệu tấn/năm, khi đó lượng thạch cao sử dụng sẽ là 3,76 triệu tấn/năm.
Với công nghệ thu hồi thạch cao từ bã thải GYPS thì 1,1 tấn GYPS sẽ thu hồi 1 tấn thạch cao. Hiện giá sản phẩm thạch cao vào khoảng 600.000 đồng/tấn, bằng 50% thạch cao nhập khẩu từ Lào, Thái Lan và 70% giá nhập khẩu từ Oman.
ximang.vn