Đổi mới công nghệ sản xuất trong các nhà máy xi măng

Ngày  15/09/2017

Xi măng Việt Nam đã vươn lên top đầu Đông Nam Á và đứng hàng thứ 5 trên Thế giới về công suất sản xuất. Công nghệ sản xuất xi măng đã từng bước chuyển sang hướng hiện đại, tiên tiến.
Xi măng lò đứng đã hoàn thành sứ mệnh của mình, kể cả lò quay phương pháp ướt cũng đã lùi về dĩ vãng thay thế bàng lò quay phương pháp khô có tháp trao đổi nhiệt, hệ thồng tiền nung và làm lạnh bằng ghi quay.

Hiện nay, 
ngành xi măng Việt Nam đã lớn mạnh và đủ khả năng cung cấp cho nhu cầu xây dựng trong nước, chấm dứt việc nhập khẩu clinker từ nước ngoài và đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu xi măng, clinker hàng đầu Thế giới.

Tuy nhiên do nhiều yếu tố cạnh tranh khác nhau, trong đó có nguyên nhân do dư thừa công suất đầu tư xi măng của một số nước, bắt buộc họ phải bán xi măng, clinker giá thấp để cạnh tranh. Trước tình hình đó, xi măng, clinker Việt nam xuất khẩu phải xuống giá theo. So với năm 2014, năm 2016 giá clinker xuất khẩu của Việt Nam đã giảm tới 30%, có thể việc giảm giá xuất khẩu xi măng, clinker của một số nước do nguyên nhân nêu trên nhưng cũng không loại trừ việc họ sản xuất sản phẩm với giá thành thấp hơn chúng ta.

Điều này về thực chất không còn là sự phỏng đoán mà chính họ đã áp dụng nhiều biện pháp công nghệ và quản lý nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
 

Hệ thống thu hồi nhiệt – Trạm phát điện tận dụng nhiệt khí thải nhà máy Xi măng Hòn Chông.

Xu thế hiện nay, hầu hết các nước trên Thế giới là chuyển đầu tư xi măng sang công nghệ tiên tiến quy mô công suất lớn, giảm suất đầu tư, bảo vệ môi trường tốt hơn, giá thành sản xuất giảm hơn. Đối với các dây chuyền đã được đầu tư từ trước khi áp dụng các giải pháp kỹ thuật để cải tạo, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. Các dây chuyền cải tạo thường gắn với việc sử dụng nhiên liệu và phế thải công nghiệp, phế thải sinh hoạt làm nhiên liệu, nguyên liệu và đầu tư hệ thống phát điện từ nhiệt khí thải trong sản xuất xi măng. Đây là xu thế, là giải pháp hiện tại nhưng mang tính lâu dài.

Ở Trung Quốc một nhà máy xi măng ở tỉnh Quảng Châu được đầu tư từ năm 2003, với công suất 1.000 tấn clinker/ ngày với mức đầu tư 500 tỷ đồng. Nhờ đầu tư cải tạo mà các chỉ tiêu tiêu hao vật chất giảm, tiêu hao nhiệt năng giảm rất đáng kể. Mặc dù công suất tăng gấp 4 lần, nhưng số lượng lao động trong nhà máy gần như không thay đổi so với trước đây. Hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt thừa có thể phát điện đến công suất từ 6,5 – 7MW và thường xuyên vận hành trên 5,8MW. Xu thế cải tạo, đầu tư chiều sâu trong lĩnh vực xi măng đang là xu thế chủ đạo và mang lại hiệu quả.
 

Các nhà máy xi măng có công nghệ sản xuất hiện đại đang dần thay thế các nhà máy có công nghệ lạc hậu.

Bài học rút ra từ một ví dụ nêu trên là gì? Đó là tư duy không dừng lại, luôn phải đổi mới, nghĩa là tất cả các chỉ tiêu mà nhà sản xuất đạt được chỉ là kết quả tại thời điểm đó và sự phát triển không có điểm dừng. Nói đến công suất của lò quay xi măng, chắc chắn không thể không nói đến 3 bộ phận chính là tháp trữ nhiệt gắn với buồng phân hủy lò quay, ghi làm nguội. Và tất nhiên tất cả các bộ phận này đều phải gắn với nguyên liệu, phối liệu đầu vào. Nhưng thử nghĩ xem, buồng phân hủy có giới hạn không, có thể phân hủy hoàn toàn đá vôi không? Giới hạn của nó sẽ là bao nhiêu khi buồng phân hủy đạt hiệu suất cao thì quá trình phân hủy tại lò quay gần như không còn ý nghĩa mà chỉ còn là giai đoạn phản ứng tạo clinker và như vậy thì điều chỉnh năng suất lò lại là bài toán mà các nhà công nghệ mặc sức tung hoành. Nhưng nếu lò quay tạo ra công suất lớn mà ghi làm nguội lại không đáp ứng được thì năng suất hay công suất là không cải thiện được.

Rõ ràng nhà thiết kế, chế tạo, vận hành có cả một khoảng trời rộng lớn để phô diễn kiến thức trên các giải pháp công nghệ để có thể đạt đến những đỉnh cao mới cả về công suất, chất lượng, hiệu quả. Có thể nói, ở nhà máy xi măng thì mọi công đoạn đều quan trọng và đều cần liên tục hoàn thiện, cải tiến để đạt những kết quả tốt hơn, giảm thời gian dừng sủa chữa, giảm tiêu hao vật chất, lao động. Điều cần nói là cách nghĩ, cách làm, là tư duy năng động, tư duy sáng tạo, kết hợp nội lực với học tập của người khác và các nước khác. Giảm giá thành, nâng cao năng suất, công suất, cải thiện môi trường, cải thiện điều kiện lao động, giảm số lượng người lao động là việc làm mà ngành xi măng cần phải quan tâm thường xuyên.

Sức mạnh cạnh tranh của ngành xi măng Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc đầu tư công nghệ cao, công suất lớn mà nó là một quá trình không ngừng nghỉ để cải tạo, nâng cấp, cải tiến công nghệ, cải tiến hệ thống quản lý. Thực tế ở Việt Nam và một số nước đã chững minh một cách rõ nét về xu hướng không thể đảo ngược, cần sự kiên trì, bền bỉ và làm từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để các bước tiếp theo sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn.

ximang.vn